CEO Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên: Đi tìm giá trị lớn lao hơn tiền bạc

Covid-19 phủ bóng đen lên ngành du lịch toàn cầu, nhưng “ngọn hải đăng” du lịch bền vững soi sáng, “con thuyền” Travelogy Việt Nam vẫn trụ vững trong tour mạo hiểm-đi tìm giá trị lớn lao hơn tiền bạc.
“Phải lòng” du lịch bền vững
Thời gian qua, các tín đồ đam mê bay nhảy rất thích thú với các sản phẩm du lịch cộng đồng ở Vân Hồ, Mộc Châu, Quỳnh Nhai (Sơn La). Bên cạnh việc thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên trác tuyệt, du khách còn được hóa thân thành người dân bản địa thực thụ. Thay vì chỉ mặc trang phục dân tộc và check in như trước kia, du khách còn được trải nghiệm làm nông, học đan len, dệt thổ cẩm, nấu những món đặc sản Tây Bắc…
Đây là những điểm đến thuộc Dự án Action on Poverty (AOP – trao quyền cho các cộng đồng bị thiệt thòi trên khắp châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương để phá vỡ chu kỳ đói nghèo kéo dài), do doanh nhân Vũ Văn Tuyên, CEO Travelogy Việt Nam phụ trách. Ông vừa là cố vấn của Dự án, vừa đào tạo các kỹ năng về du lịch cộng đồng để quy chuẩn hóa, giúp bà con có nhiều kiến thức tiếp đón khách chuẩn với du lịch cộng đồng.
CEO Vũ Văn Tuyên cho biết, ông đến với du lịch từ khi là sinh viên năm 3 chuyên ngành tiếng Pháp tại Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về quản lý (CFVG), tập tọe làm hướng dẫn viên du lịch cho du khách “Tây ba lô” ở khu phố cổ Hà Nội để trau dồi kỹ năng ngoại ngữ. Tình yêu và đam mê với ngành công nghiệp không khói cứ lớn dần trong ông từ đó.
Ra trường, sở hữu 2 ngoại ngữ là tiếng Pháp và tiếng Anh, ông Tuyên được mời làm hướng dẫn viên chính cho nhiều hãng lữ hành lớn như Saigontourist, BenThanh Tourist… Đặc biệt, tại Công ty Exotissimo, ông được đào tạo bài bản nhiều kỹ năng và kiến thức về du lịch bền vững. Mê làm du lịch bền vững, năm 2001, ông chuyển ra làm hướng dẫn viên tự do và tham gia các dự án du lịch cộng đồng có trách nhiệm của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.
“Năm 2006, một vị giáo sư trong đoàn du khách Pháp khuyên tôi nên phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch bền vững, vì đây là xu hướng không bao giờ mất đi. Điều đó càng củng cố niềm tin làm du lịch bền vững trong tôi”, vị doanh nhân sinh năm 1976 kể lại.
Lời khuyên đó thúc giục ông Tuyên mở công ty với định hướng làm du lịch bền vững, nhưng ông gặp khó khăn vì không kêu gọi được vốn góp. Mọi người cho rằng, đi hướng này sẽ tự làm khó mình, bởi thị phần khách hạn hẹp, trong khi phải đầu tư nhiều để xây dựng hạ tầng, đào tạo kỹ năng và ngoại ngữ cho các hộ gia đình, cam kết lợi nhuận cho đối tác…
Năm 2009, nhận thấy nguồn lực và thời cơ chín muồi, ông Tuyên quyết định thực hiện ước mơ lớn của đời mình – thành lập Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam. Ông lập tức bắt tay vào xây “hải đăng” để soi đường, chỉ lối cho doanh nghiệp, đó là bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững với các mảng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm.
CEO Tra velogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên
Thời gian đầu, Travelogy Việt Nam gặp khó khăn lớn vì loại hình du lịch bền vững rất kén khách. Một sản phẩm tour với hành trình hấp dẫn có giá không hề rẻ và còn yêu cầu du khách phải bảo vệ môi trường, ứng xử văn minh… là điều chưa có tiền lệ. “Lúc đó, đồng nghiệp khuyên tôi nên thay đổi hướng đi, nhưng tôi vẫn kiên định con đường mình đã chọn”, CEO Vũ Văn Tuyên trải lòng.
Trong bối cảnh khách lẻ gần như trắng sổ, doanh nhân tuổi Rồng chuyển sang dòng khách đoàn. Thế nhưng, các tập đoàn, công ty quy mô lớn của Việt Nam, nơi mà văn hóa doanh nghiệp đã được tạo dựng khá vững chắc cũng chưa quan tâm đến du lịch bền vững. Ông Tuyên lại nỗ lực tìm đến các công ty, đơn vị có vốn đầu tư hoặc liên kết với nước ngoài.
“Tôi vui sướng tột cùng với booking đầu tiên của Tổ chức Giáo dục Apollo tại Việt Nam. Họ rất thích sản phẩm của chúng tôi, bởi với họ, đi du lịch không phải chỉ để nghỉ dưỡng, mà mục đích lớn nhất là truyền cảm hứng, văn hóa doanh nghiệp cho nhân viên, gắn kết mọi người và giúp nhân viên tái tạo sức lao động”, vị CEO hồ hởi.
Booking đầu tiên đó đã khơi dòng đơn hàng tới Travelogy Việt Nam. Sau hơn 10 năm hoạt động, giờ đây, Travelogy Việt Nam đã tự tin với hướng đi phát triển du lịch bền vững và ưu tiên chất lượng, không xô bồ trong chọn lựa khách hàng. Hẳn đó cũng là lý do mà nhiều năm liền, các ngân hàng Techcombank, ACB,
Vietcombank, MB Bank hay các doanh nghiệp như PVN, VinaPhone đã chọn Travelogy Việt Nam là đối tác.
Đi tìm giá trị lớn lao hơn tiền bạc
“Dù có rất nhiều cơ hội làm các ngành nghề khác mang lại thu nhập tốt, nhưng tôi vẫn kiên cường, bền bỉ với du lịch cũng chỉ bởi hai chữ đam mê. Tôi luôn ước ao góp phần phát triển ngành du lịch, quy chuẩn hóa và trợ giúp được cho chính Travelogy Việt Nam và các doanh nghiệp khác cùng nhau phát triển du lịch bền vững”, CEO  Vũ Văn Tuyên tâm sự.
Khi Travelogy Việt Nam mới thành lập, 70% khách hàng của Công ty đến từ các thị trường nói tiếng Pháp gồm Pháp, Thụy Sỹ, Canada, Bỉ; sau đó mở rộng ra các thị trường nói tiếng Anh như Mỹ, Anh; 30% còn lại là khách outbound (người Việt Nam du lịch nước ngoài) và nội địa.

Quá trình đi dạy, tôi nhận thấy người Việt Nam đã thay đổi suy nghĩ về phát triển du lịch cộng đồng. Trước đây, hô hào mãi họ mới tham gia tập huấn, nhưng sau đó không đầu tư vì khách chưa đều. Mới đây, tôi đào tạo cho người dân bản Kbang, Pleiku (Gia Lai); Phụ Mẫu, Vân Hồ và Mộc Châu (Sơn La), họ sẵn sàng học ở chuồng gà, vì ở đó mới có mạng Internet. Họ cũng chăm chỉ học hỏi cách làm cụ thể, chứ không ngồi đợi khách như trước. 

CEO Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên

“Đa phần các công ty ban đầu chỉ làm một mảng, nhưng tôi tin rằng, khi phát triển thị trường inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam) thành công, thì khách du lịch Việt Nam sẽ dần dần dịch chuyển theo hướng du lịch bền vững, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi”, CEO Travelogy Việt Nam cho hay.
Và đúng như ông Tuyên suy tính, tập khách outbound của Travelogy Việt Nam ngày càng lớn và ngày càng có ý thức giữ gìn, quảng bá hình ảnh người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. “Khách hàng của chúng tôi thường mang cờ, mặc áo cờ đỏ sao vàng chụp ảnh đúng nơi quy định, mang những postcard, ảnh phong cảnh tặng cho bạn bè quốc tế… Những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế một cách trực quan, sinh động nhất”, CEO Vũ Văn Tuyên tự hào.
Covid-19 ập đến khiến dòng dịch chuyển du khách quốc tế đứt gãy, ông Tuyên lập tức giảm bớt một trong hai văn phòng, duy trì nhân sự khoảng 10 người. Ông dồn hết nguồn lực tái cơ cấu doanh nghiệp, đào tạo nhân viên, chi 500 triệu đồng đầu tư hệ thống phần mềm Travel Master Vietiso để quản lý toàn bộ quy trình làm việc, cho phép nhân viên làm việc online 24/24 mà không cần đến văn phòng.
Đây là phần mềm quản trị, điều hành doanh nghiệp du lịch, được tích hợp các phân hệ nghiệp vụ trong ngành du lịch đặc thù, giúp việc quản trị doanh nghiệp du lịch một cách hoàn hảo. Nhờ đó, Travelogy Việt Nam hiểu du lịch Việt Nam đang cần gì, muốn gì, phải làm gì để giảm dần khoảng cách với các thị trường du lịch phát triển hàng đầu thế giới. 
Bên cạnh đó, Travel Master Vietiso giúp năng suất lao động, hiệu quả tiếp thị, quảng cáo tăng gấp nhiều lần. Việc nghiên cứu tâm lý, nhu cầu khách hàng cũng dễ dàng hơn, nên Travelogy Việt Nam có thể lập tức đưa ra những gói tour, sản phẩm sát với mong muốn của họ.
Năm 2020, doanh số bán hàng của Công ty vẫn bằng năm 2019, trong khi chi phí bỏ ra thấp hơn. Tuy nhiên, do giảm giá tour kịch sàn, nên lợi nhuận năm 2020 của Travelogy Việt Nam thấp hơn những năm trước. “Nhưng đây thực sự là điều hạnh phúc, bởi trong lúc có tới 90 – 95% các doanh nghiệp trong ngành đang dừng hoạt động hoặc đóng cửa, thì Travelogy Việt Nam vẫn hoạt động mạnh”, CEO Vũ Văn Tuyên bày tỏ.
Bí quyết thành công của doanh nhân hơn 20 năm hoạt động trong ngành du lịch chính là xoay chuyển tình thế nhanh và sẵn sàng chi trả số tiền không nhỏ để ứng dụng công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời kiên định khung pháp lý, quy trình và tiêu chí phát triển du lịch bền vững ngay từ đầu.
CEO Vũ Văn Tuyên cho rằng: “Đại dịch Covid-19 cho chúng ta thấy rất rõ rằng, giá trị của tour du lịch không nằm ở tiền, mà là ở niềm tin của khách hàng. Họ sẽ dựa trên 3 yếu tố: uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; văn hóa doanh nghiệp; mức độ an toàn. Những doanh nghiệp trụ vững với uy tín tạo dựng được hàng chục năm trước đó sẽ bứt phá nhanh hơn các doanh nghiệp khác”.
Trong tương lai, “thuyền trưởng” Travelogy Việt Nam khát khao đưa Công ty trở thành một tập đoàn du lịch bền vững và nhân rộng mô hình du lịch bền vững, hướng tới đào tạo, nhượng quyền mô hình kinh doanh. “Định hướng này có thể khiến chúng tôi đạt tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích về môi trường và xã hội. Điều đó cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp của tôi ngày càng uy tín và phát triển bền vững – điều giá trị hơn nhiều so với tiền bạc”, ông Tuyên nói.
Là người năng nổ, trách nhiệm, CEO Vũ Văn Tuyên còn là Phó chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam; chịu trách nhiệm Dự án AOP (phát triển du lịch cộng đồng cho một số điểm đến ở Sơn La); phụ trách Dự án AUF (Tổ chức Đại học Pháp ngữ) của Pháp hỗ trợ giáo viên giảng dạy về du lịch bền vững cho sinh viên; cố vấn cho các dự án du lịch có trách nhiệm của EU; tham gia giảng dạy tại một số trường đại học.