Cơn sốt hàng xa xỉ phẩm của giới trẻ Hàn Quốc

0 246
Những người trẻ Hàn Quốc thuộc thế hệ MZ (ghép từ Millennials và gen Z, những người sinh từ năm 1980 đến khoảng 2000) đang là nhóm khách hàng chính trên thị trường hàng xa xỉ, theo Koreabizwire.
Theo dữ liệu từ cửa hàng bách hóa Shinsegae, khách hàng ở độ tuổi 20 và 30 lần lượt chiếm 10,9% và 39,8% tổng khách tiêu dùng hàng xa xỉ. Tại Lotte Department Store, nhóm khách độ tuổi này chiếm 46%, tăng so với 38,1% vào năm 2018.
Sức mua của nhóm khách hàng trẻ cũng góp phần giúp doanh số thị trường hàng cao cấp ở Hàn Quốc ổn định trong năm 2020, mặc sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế.
Cụ thể, doanh thu ngành này trong năm 2020 trên toàn thế giới là 286,9 tỷ USD, giảm 19% so với năm 2019 (354,4 tỷ USD). Trong khi đó, theo dữ liệu của Euromonitor International, các thương hiệu sản xuất túi xách, ví, đồ trang sức và đồng hồ cao cấp ở Hàn Quốc ghi nhận doanh thu 12,5 tỷ USD, không chênh lệch nhiều so với năm 2019
gioi tre Han me do xa xi anh 1
Thậm chí, trong năm qua, Hàn Quốc đã vượt Đức, trở thành nước đóng góp lớn thứ 7 vào thị trường hàng xa xỉ toàn cầu. Doanh thu của 10 thương hiệu hàng đầu ở xứ kim chi, bao gồm Chanel, Louis Vuitton và Gucci, đã vượt 4 nghìn tỷ won (3,6 tỷ USD).
“Trong khi nền kinh tế nói chung ở Hàn Quốc đình trệ do dịch Covid-19, mức thu nhập của khoảng 6 đến 7 triệu hộ gia đình thực ra vẫn tăng lên. Việc du lịch nước ngoài bị hạn chế cũng thúc đẩy nhiều người tiêu dùng chi tiền cho các hãng đồ hiệu”, Seo Yong-gu, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Nữ sinh Sookmyung, cho biết.
Tuy nhiên, không giống thế hệ trước, những người tiêu dùng trẻ tuổi sẵn sàng bán lại các món đồ xa xỉ của mình.
Ví dụ, sau vài năm sử dụng, họ có thể bán chúng trên thị trường đồ cũ với mức giá không thấp hơn quá nhiều so với lúc mua. Thậm chí, món đồ càng hiếm, giá trị của chúng càng tăng theo thời gian
gioi tre Han me do xa xi anh 2
Vì vậy, đối với khách hàng thế hệ MZ, việc tranh giành suất để mua các món đồ hot ngay khi chúng xuất hiện vừa là trò chơi, vừa là một khoản đầu tư.
“Thế hệ trẻ ngày nay không còn nghĩ rằng hàng xa xỉ là thứ họ không thể mua được. Họ sẵn sàng chắt bóp trong vài tháng để mua một sản phẩm đắt tiền cho bản thân”, Yoo Hyun-jung, giáo sư về khoa học tiêu dùng tại Đại học Quốc gia Chungbuk, nhận định.
Kwak Keum-joo, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul giải thích rằng những xu hướng này là ví dụ điển hình về hiệu ứng Veblen và Panoplie.
Hiệu ứng Veblen là lý thuyết đề cập đến việc người tiêu dùng gia tăng nhu cầu mua sắm vì họ muốn phô trương. Họ cho rằng những gì càng đắt tiền thì càng độc đáo, càng có một không hai.
Hiệu ứng Panoplie đề cập đến cảm giác khi mang món đồ xa xỉ nào đó, chủ sở hữu cảm thấy bản thân như thuộc về tầng lớp hoặc xã hội cao hơn.
“Thế hệ trẻ dường như tìm thấy lòng tự tôn, cảm giác thành tựu hay đạt tới tiêu chuẩn của những người nổi tiếng bằng cách mua những thứ họ sử dụng hoặc mặc”, giáo sư Kwak nói