Giấc mơ giúp nông dân đổi đời nhờ phôi nấm của chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Truyện
Từ chỗ bị gia đình phản đối quyết liệt, đến nay, 2 cơ sở sản xuất phôi nấm ở TP.HCM và Bình Định của chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Truyện đạt doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Trót yêu cây nấm
Tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Yersin (Đà Lạt) vào năm 2011, anh Nguyễn Xuân Truyện (31 tuổi, ở thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) vào TP.HCM để thực hiện đam mê làm nấm của mình.
Khi đó, gia đình ảnh phản đối quyết liệt, bởi bố mẹ quá hiểu những vất vả của nghề nông nên không muốn con theo con đường đó. Nhưng vì trót yêu cây nấm, hơn nữa còn có may mắn được các chuyên gia đầu ngành “cầm tay chỉ việc” ngay khi đi thực tế ở Viện Sinh học Tây Nguyên nên anh Truyện kiên trì thuyết phục và cuối cùng gia đình cũng chấp nhận.
Bắt tay vào việc, từ 200 triệu gia đình hỗ trợ, anh Truyện thuê 3.000 m2 đất ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) để đầu tư sản xuất phôi nấm bào ngư xám và nấm linh chi.
Dù đã có kiến thức nền và dày công nghiên cứu, học hỏi nhưng với kinh nghiệm ít ỏi cùng với quy trình sản xuất phôi chưa chuẩn nên năng suất và chất lượng phôi nấm rất thấp.
“Thời điểm đấy, tôi căng thẳng lắm, nhiều khi chỉ muốn ở dưới xưởng chứ không dám về nhà vì sợ thấy ba mẹ buồn. Phải mất 3 đến 4 năm “lên bờ xuống ruộng” cơ sở sản xuất phôi nấm của tôi mới sản xuất ổn định” – anh Truyện chia sẻ.
2 cơ sở sản xuất phôi nấm ở TP.HCM và Bình Định của anh Nguyễn Xuân Truyện đạt doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm.
Hiện, cơ sở sản xuất phôi nấm của anh Truyện ở xã Vĩnh Lộc A có khách hàng ở khắp các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây nguyên, doanh thu bình quân đạt 8 tỉ đồng mỗi năm.
Làm giàu trên quê hương
Khi đã có uy tín cùng lượng khách hàng ổn định, năm 2019, anh Truyện quyết định về quê Hoài Ân mở cơ sở sản xuất phôi nấm thứ 2 trên diện tích 1.000 m2.
Hiện, cơ sở sản xuất phôi nấm ở thôn Hội Long (xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) mỗi tháng bình quân xuất khoảng 120.000 – 150.000 phôi nấm, doanh thu bình quân đạt 6 tỉ đồng. Cơ sở cũng tạo việc làm cho 17 lao động với mức thu nhập ít nhất 5 triệu đồng/người/tháng.
Hỏi về quy trình để làm phôi nấm đạt hiệu quả, anh Truyện chia sẻ, cơ bản quy trình chuẩn 6 bước gồm: Chọn mùn cưa (mùn cưa cao su); sàng loại bỏ tạp chất và phối dinh dưỡng; đóng bịch; hấp thanh trùng; cấy giống và nuôi tơi, xuất phôi.
Nguyên liệu sản xuất yêu cầu phải sạch, đồng đều, không chứa các tạp chất. Công đoạn sàng lọc nguyên liệu được thực hiện bằng máy sàng có độ rung lắc ổn định mới cho ra nguyên liệu đảm bảo chất lượng để sản xuất bịch phôi nấm.
Cơ sở sản xuất phôi nấm ở thôn Hội Long tạo việc làm cho 17 lao động với mức thu nhập ít nhất 5 triệu đồng/người/tháng
Cuối tháng 11 vừa qua, Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và cung cấp phôi nấm bào ngư xám trên địa bàn tỉnh Bình Định” do anh Truyện thực hiện đã đạt giải 3 Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tỉnh năm 2020. Với Dự án này anh Truyền kỳ vọng sản phẩm nấm sạch có thể đến tận tay mọi người, kể cả người có thu nhập thấp.
Phó Bí thư Xã đoàn Ân Hảo Đông – Trương Minh Lợi cho biết: “Cái hay ở anh Truyện là anh đã lập ra kênh Youtube có tên Truyện Nấm TV, hiện nay đã có hơn 16.000 người đăng ký theo dõi. Anh dùng kênh này không chỉ để quảng bá sản phẩm của mình mà còn tự mình chia sẻ kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm nấm cho các khách đã lấy phôi của mình”.
Thùy Dương