TÀU HỦ KY MỸ HÒA TỪ LÀNG NGHỀ ĐẾN DI SẢN PHI VẬT THỂ CẤP QUỐC GIA

Được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống là niềm vui lớn, niềm tự hào của  người dân làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh. Hơn trăm năm hình thành và phát triển làng nghề như một minh chứng song hành cùng tiến trình lịch sử và góp phần làm nên dấu ấn văn hóa của địa phương.
Theo các cứ liệu được ngành văn hóa tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, nghề làm tàu hủ ky có mặt tại ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh khoảng từ đầu thế kỷ 19. Khi ấy những lưu dân đến vùng đất này sinh cơ, lập nghiệp và mang theo nghề truyền thống nơi bản quán. Sau quá trình cộng cư, người dân bản địa dần học được kỹ thuật và phát triển làng nghề ngày càng sung túc, hưng thịnh. Ban đầu, quy trình sản xuất tàu hủ ky hoàn toàn bằng thủ công, đậu được nấu bằng rơm lúa mùa, về sau có sự cải tiến chuyển sang lò than và lò hơi như hiện nay.
Ông Nguyễn Tấn Thậm, Chủ cơ sở sản xuất tàu hủ ky  Thành Đạt, xã Mỹ Hòa – thị xã Bình Minh.
“Hồi nấu rơm là 7-8 hộ, 8-9 hộ hà rồi sau này hình thành nên cái lò nấu than đó thì bắt đầu bà con người ta thấy mình sản xuất được nhiều, làm nó dễ hơn lúc trước bà con người ta làm nhiều.”
Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa hiện có khoảng 27 hộ sản xuất với trên 200 lao động, phát triển phần lớn theo hình thức cha truyền con nối. Một số gia đình cố cựu nay đã truyền đến đời thứ 3. Cùng dòng chảy thời gian, quy trình sản xuất tàu hủ ky cũng có nhiều thay đổi, thích nghi phù hợp với cuộc sống hiện đại, một số công đoạn đã có sự tham gia của máy móc. Dù vậy Tàu hủ ky Mỹ Hòa vẫn giữ được hương vị truyền thống, những đặc trưng đã làm nên danh tiếng.
Ông Đinh Công Hoàng, Chủ cơ sở sản xuất Tàu Hủ Ky tại xã Mỹ Hòa- thị xã Bình Minh.
“Tui thì cha truyền con nối, tui thế hệ thứ hai nối gót của ông già, khoảng 5- 6 chục năm gì rồi.  Được công nhận làng nghề cấp quốc gia thì làng nghề tụi tui rất hãnh diện.”
Nép mình bên dòng sông Tắc Từ Tải, hơn một thế kỷ qua cùng những biến động của thời cuộc, làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa từng có lúc thăng trầm nhưng những bếp lò chưa bao giờ thôi đỏ lửa. Từ một làng nghề ban đầu hình thành với ý nghĩa kinh tế, sau quá trình lưu giữ tiếp biến đến nay đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ông Lê Thanh Thuận, Trưởng Phòng Kinh tế Thị xã Bình Minh.
“Với làng nghề này thì không chỉ riêng về mặt kinh tế nữa mà địa phương cũng xác định đây là một cái nét văn hóa cần phải có cái hướng, giải pháp để mà bảo tồn, duy trì mở rộng phát triển, thiết kế những tour để làm sao khai thác được thị trường du lịch.”
Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là cơ hội để sản phẩm vốn đã nức tiếng gần xa nay thêm vang danh. Đây còn là sự khẳng định những giá trị truyền thống gắn với các làng nghề cũng là một phần làm nên đặc sắc văn hóa địa phương.
Chương trình Thời sự phát sóng lúc 18h30 trên THVL1.
Phạm Tuấn